Email: info@trunghochoasen.com Tổng đài tư vấn tuyển sinh: 0901 379 685

KẾ HOẠCH Triển khai thực hiện xây dựng Trường học hạnh phúc

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG THCS VÀ THPT HOA SEN
Số: 05/KH-THHS-CM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
Tp.Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng01 năm 2024

KẾ HOẠCH

Triển khai thực hiện xây dựng Trường học hạnh phúc

Căn cứ Kế hoạch số 6040/KH-SGDĐT ngày 18/10/2023 của Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh về việc Triển khai Trường học hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Quyết định số 3442/QĐ-SGDĐT ngày 16/10/2023 của Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh về việc Ban hành Bộ tiêu chí trường học Hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Kế hoạch số 65/2023/KH-THHS ngày 19/8/2023 của Hiệu trưởng về Kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2023-2024.

          Trường THCS và THPT Hoa Sen ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng Trường học hạnh phúc, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

– Triển khai thực hiện Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc trong trường THCS và THPT Hoa Sen.

– Xây dựng Trường học hạnh phúc dựa trên nguyên lí trải nghiệm hạnh phúc của con người: Kết nối với bản thân – Kết nối với người khác – Kết nối với thế giới tự nhiên nhằm nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục của nhà trường, cải thiện kết quả học tập của học sinh.

– Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hoặc các hành vi làm tổn thương đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, thân thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

2. Yêu cầu

Tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Trường học hạnh phúc trong cáccơ sở, bộ phận, tổ chức Đoàn thể của nhà trường.

– Xác định rõ trách nhiệm của các cơ sở, bộ phận, giáo viên và nhân viên liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của từng cá nhân về mục tiêu, ý nghĩa của việc xây dựng Trường học hạnh phúc.

– Quá trình thực hiện phải đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, không mang tính hình thức, thành tích; Có công cụ đo lường, đánh giá kết quả thực hiện cuối mỗi học kỳ, cuối năm học.

II. NHIỆM VỤ THỰC HIỆN

1. Xây dựng và thực hiện hiệu quả Kế hoạch và Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc

– Căn cứ tiêu chí Trường học hạnh phúc của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành, nhà trường tổ chức rà soát, tự đánh giá mức độ đạt được của nhà trường theo từng tiêu chí.

– Dựa trên kết quả tự đánh giá, nhà trường đề ra mục tiêu và phương án thực hiện xây dựng Trường học hạnh phúc. Tiêu chí nào đã thực hiện tốt cần duy trì, tiêu chí nào cần cải thiện thì cần đưa ra mục tiêu, phương hướng nâng mức độ và chất lượng để Trường học hạnh phúc.

– Căn cứ thực hiện liên quan đến tình hình thực tế từ đối tượng học sinh và giáo viên để xây dựng kế hoạch thực hiện theo những giá trị cốt lõi của công tác giáo dục nhà trường nhằm bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được bộ tiêu chí đề ra.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong quá trình thực hiện

– Đẩy mạnh công tác truyền thông về thực hiện Trường học hạnh phúc trong toàn nhà trường.

– Tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về tầm quan trọng của việc xây dựng Trường học hạnh phúc.

– Phối hợp với các cơ quan truyền thông của địa phương, của ngành, có các bài viết đăng tải trên trên cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trang thông tin tuyên truyền hợp pháp, cổng thông tin điện tử của nhà trường.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Thực hiện hiệu quá các giá trị cốt lõi của nhà trường

a) Thực hiện thái độ sống tích cực, nghĩ rộng, làm siêng năng, tĩnh tâm, tỉnh thức, tâm tầm tinh tấn tốc hành.

– Thực hiện quy tắc 5S, 5 rèn luyện, 6 binh pháp, 8 mặc định Hoa Sen. Không gian và tác phong làm việc chuẩn.

– Giữ nội quy nghiêm, thực hành kỷ luật tích cực. Trật tự, nề nếp, xếp hàng thẳng tắp. Không tệ nạn. Bảo vệ môi trường Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn.

– Cung cách chào hỏi lễ phép, văn minh, văn hóa. Rèn bản lĩnh sống, thói quen tối, tiết kiệm thời gian. Làm chủ bản thân, cảm xúc tích cực, tư duy tinh tế.

– Trọng tâm đức, hiếu nghĩa, trung tín, lòng biết ơn. Giữ đức tự trọng, kiên nhẫn, tinh thần trách nhiệm. Nhiều tình thương, chia sẻ, hoạt động thiện nguyện.

– Du lịch giải trí cuối tuần với mô hình nội trú lý tưởng. Tham gia thể dục thể thao, khiêu vũ, văn hóa văn nghệ. Hội thao, hội thi tài năng, ca nhạc, thời trang.

b) Thực hiện giáo dục phân hóa, giáo dục tự quản, 3 chiến lược trọng tâm. Tự kiểm soát, tự đánh giá, tự quản, tự học, tự tin, tự hào.

– Phát triển chuyên môn đỉnh cao, chiều sâu. Trải nghiệm sinh thái, hướng nghiệp, du học nghề. Khám phá thực tiễn kiến tạo tương lai.

– Đẩy mạnh Tiếng Anh làm nền, đạt nhiều thành tích. Luyện thi IELTS 4.0+. Hoạt động câu lạc bộ Tiếng Anh. Cao trào tự học và nói Tiếng Anh toàn trường.

– Luyện tập kỹ năng sống, nói tự tin, giao tiếp lịch sự. Giáo dục STEM/STEAM, phát huy học tập nhóm. Tăng cường tin học quốc tế, chuyển đổi số.

– Cam kết đầu ra, chân dung học sinh Hoa Sen. Thưởng tiến bộ, tài năng, gương tiêu biểu. Sàng lọc lười biếng, tiêu cực, không tiến bộ.

– Cấp chứng nhận: thành quả học tập, thi đua, thể hiện nét đẹp văn hóa, cách làm việc đổi mới, tạo ra được sản phẩm giá trị nhân bản.

2. Xây dựng các kế hoạch hoạt động giáo dục của nhà trường bài bản theo định hướng thực tiễn, nhân sinh và thời đại

Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông (2018 đối với khối 6, 7, 8, 10, 11 và 2006 đối với khối 9, 12). Nhà trường chú trọng giảng dạy Ngoại ngữ, Tin học là công cụ trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để trở thành công dân toàn cầu. Song song với chương trình của Bộ giáo dục và đào tạo, nhà trường còn triển khai nhiều chương trình, cụ thể như:

– Tăng cường tổ chức giáo dục STEM với các hình thức: Bài học STEM trong các bộ môn Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ và Khoa học tự nhiên; Hoạt động trải nghiệm STEM (câu lạc bộ STEM, ngày hội giáo dục STEM,…); Hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường tổ chức các chuyên đề bộ môn như: Ngày hội Toán học Mở (MOD); Ngày hội khuyến đọc,…

– Đẩy mạnh hoạt động thể thao học đường với các hình thức: Thể thao tự chọn, câu lạc bộ thể thao, các giải đấu thể thao.

– Tổ chức hoạt động các câu lạc bộ ngoại khóa, ưu tiên phát triển câu lạc bộ STEM, câu lạc bộ Tiếng Anh, câu lạc bộ Văn nghệ và câu lạc bộ lãnh đạo trẻ.

– Trang bị cho học sinh các kỹ năng mềm, kỹ năng sống thiết thực, phù hợp với đời sống hiện đại, đời sống khu vực đô thị.

– Giao Đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục lòng nhân ái, hoạt động xã hội hướng đến cộng đồng.

3. Thực hiện đổi mới phương pháp và kỹ thuật dạy học, hình thức kiểm tra và đánh giá học sinh

– Tích cực đổi mới phương pháp và kỹ thuật dạy học, hình thức kiểm tra và đánh giá học sinh. Chú trọng thực hiện dạy học theo nhóm, dạy học theo định hướng giáo dục STEM, thực hiện nhịp học, phát huy trợ giảng.

– Chủ động xây dựng và hoàn thiện kho học liệu số, đẩy mạnh việc dạy học trực tuyến nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số.

4. Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trường học hạnh phúc

– Nhà trường huy động nguồn lực nội bộ và phối hợp với chuyên gia nhằm thực hiện các buổi chuyên đề để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm, nhận diện, xử lí các tình huống vi phạm các quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong lao động nghề nghiệp, về Trường học hạnh phúc.

– Tổ chức tọa đàm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, cha mẹ học sinh về Trường học hạnh phúc, về sự đồng cảm, khoan dung, xây dựng mối quan hệ tích cực, sáng tạo, hình thành và phát triển khả năng, kỹ năng, sẵn sàng hợp tác, phát triển tối đa năng lực, sở trường của bản thân; thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh.

– Nhà trường thường xuyên tổ chức đối thoại, giải đáp, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng ứng xử sư phạm với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, trên cổng thông tin điện tử của trường và các diễn đàn giáo dục.

– Đưa giáo dục học tập, cảm xúc, xã hội và đạo đức (SEE) vào giảng dạy cho học sinh. Đồng thời, tổ chức thực hiện các hoạt động như: thực hành lòng biết ơn, nâng cao lòng trắc ẩn, tỉnh thức,… để gia tăng cảm nhận hạnh phúc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

– Tổ chức xây dựng các tư liệu về “xử lý tình huống sư phạm”, các câu chuyện đạo đức, về truyền thống Tôn sư trọng đạo, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống,… phục vụ cho công tác thông tin, truyền thông và hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong ứng xử sư phạm.

5. Thực hiện tốt công tác phối hợp

– Thực hiện tốt mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

– Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh (CMHS), Ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức đoàn thể để xây dựng Trường học hạnh phúc có hiệu quả.

6. Thực hiện tốt công tác tuyên dương, khen thưởng

– Thường xuyên rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

– Tổ chức các hoạt động tham quan, học tập, giao lưu; tôn vinh, biểu dương bằng các hình thức thích hợp các tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực, thực hiện có hiệu quả việc thực hiện Trường học hạnh phúc.

7. Thực hiện và tổ chức đánh giá theo Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc

Tiêu chíChi tiết tiêu chíPhụ trách chínhHỗ trợ thực hiện
A. Tiêu chuẩn về con người
Tiêu chí 1Tình bạn và mối quan hệ tích cực trong nhà trường dựa trên nền tảng tin tưởng, tôn trọng, bao dung, công bằng.Cơ sởChuyên môn và TT&PT
Tiêu chí 2Cán bộ, giáo viên, nhân viên lắng nghe tích cực, phản hồi mang tính xây dựng, chia sẻ, hỗ trợ với đồng nghiệp và học sinh; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy đạo đức nhà giáo.Chi bộ Công đoànTT&PT, cơ sở
Tiêu chí 3Tinh thần dân chủ được đảm bảo; tôn trọng sự đa dạng và khác biệt về văn hóa, tôn giáo, giới tính, bản dạng giới, xu hướng tính dục hay các khó khăn, khuyết tật về thể chất và học tập.Công đoànTT&PT, cơ sở
Tiêu chí 4Những giá trị, thái độ tích cực như: chính trực, tận tâm, lòng biết ơn, hợp tác, thấu cảm, sáng tạo, tự tin và những hành vi tích cực được khuyến khích.Cơ sởTT&PT, hành chánh
Tiêu chí 5Sự khỏe mạnh về thể chất và tinh thần của giáo viên, nhân viên, học sinh thông qua việc đảm bảo điều kiện làm việc, tôn vinh, ghi nhận vai trò của giáo viên, nhân viên, học sinh.Hành chánhCơ sở
Tiêu chí 6Năng lực và kỹ năng của giáo viên được thể hiện; Phát huy được các phương pháp dạy học mới, sáng tạo.Chuyên mônCơ sở, TT&PT, hành chánh
 B. Tiêu chuẩn về dạy học và hoạt động giáo dục  
Tiêu chí 7Giao nhiệm vụ học tập hợp lý và công bằng; chú trọng dạy học phát huy phẩm chất và năng lực học sinh; đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá, coi trọng sự tiến bộ của học sinh, tránh gây áp lực quá mức và đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các học sinh với nhau.Chuyên mônCơ sở
Tiêu chí 8Các môn học và hoạt động giáo dục được áp dụng các phương pháp tích cực, phát huy tinh thần làm việc nhóm và hợp tác; học sinh được thể hiện sự sáng tạo và gắn kết với nhau, coi những lỗi sai như một phần của quá trình học; dạy và khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, tư duy phản biện.Chuyên mônCơ sở
Tiêu chí 9Học sinh có được ý thức về thành tích và thành tựu, không chỉ ở điểm số cao mà nhiều hơn là sự công nhận, khuyến khích, động viên từ giáo viên, cha mẹ và nhà trường; vinh danh những gương học sinh điển hình trong quá trình học tập, rèn luyện.Chuyên mônCơ sở, TT&PT
Tiêu chí 10Nội dung học tập bổ ích, lôi cuốn, mang tính ứng dụng cao, gắn với thực tiễn.Chuyên mônCơ sở
Tiêu chí 11Các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa và các sự kiện ở trường được tổ chức hiệu quả. Xây dựng các câu lạc bộ đội nhóm, sân chơi, hoạt động phong trào, nghiên cứu khoa học.Chuyên mônCơ sở, TT&PT, Công ty
Tiêu chí 12Triển khai các chương trình sức khỏe học đường, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho học sinh.Hành chánhCơ sở, chuyên môn
Tiêu chí 13Quan tâm đến sức khỏe tâm thần, quản lý căng thẳng thông qua công tác tham vấn tâm lý học đường, công tác xã hội trường học; đưa nội dung chương trình giáo dục cảm xúc, xã hội, đạo đức (SEE), năng lực cảm xúc, xã hội, học tập (SEL) và sự chú tâm, lòng biết ơn vào giảng dạy.Cơ sởTT&PT, chuyên môn
Tiêu chí 14Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong quản lý và dạy học.Chuyên mônHành chánh, cơ sở
 C. Tiêu chí về môi trường  
Tiêu chí 15Môi trường học tập thân thiện, an toàn, không bạo lực, bắt nạt, kể cả bắt nạt trực tuyến.Cơ sởTT&PT, chuyên môn
Tiêu chí 16Kỷ luật tích cực được áp dụng trong nhà trường.Cơ sởChuyên môn
Tiêu chí 17Trường học đạt tiêu chuẩn về trường học xanh.Cơ sởHành chánh
Tiêu chí 18Tầm nhìn và công tác Lãnh đạo của nhà trường hướng đến những ưu tiên xây dựng Trường học hạnh phúc.Ban giám hiệuChuyên môn

IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Tháng 01/2024

– Triển khai kế hoạch thực hiện Trường học hạnh phúc.

– Tập huấn cho toàn thể giáo viên, nhân viên về các tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc và giải pháp thực hiện. Từng bộ phận có liên quan thảo luận nội dung, giải pháp liên quan đến bộ phận mình thực hiện.

– Giáo viên chủ nhiệm triển khai xây dựng các tiêu chí về Trường học hạnh phúc đối với từng lớp học.

– Tổ chuyên môn nghiên cứu các chủ đề liên quan nhằm tích hợp, lồng ghép vào giờ học bộ môn.

2. Tháng 02/2024

– Tất cả các hoạt động liên quan đến tiêu chí Trường học hạnh phúc được thực hiện chính thức từ 19/02/2024.

3. Khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện

– Tháng 05/2024 sẽ tổ chức lấy ý kiến của các thành viên trong nhà trường theo các tiêu chí liên quan đánh giá về mức độ đạt được của các tiêu chí.

– Từ năm học 2024-2025: Tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh các nội dung xây dựng Trường học hạnh phúc phù hợp với tình hình thực tế; nhân rộng điển hình mô hình trường học, lớp học hạnh phúc một cách đồng bộ, hiệu quả.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lãnh đạo nhà trường

– Xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch xây dựng Trường học hạnh phúc.

– Chủ trì tập huấn, hướng dẫn thực hiện xây dựng Trường học hạnh phúc.

– Tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng Trường học hạnh phúc; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để rà soát, bổ sung, điều chỉnh quá trình tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.

2. Tổ chức đoàn thể

– Phát huy vai trò tiên phong của Đảng viên, Đoàn viên, Thanh niên trong việc thực hiện xây dựng Trường học hạnh phúc.

3. Giáo viên, nhân viên, học sinh

Thực hiện nghiêm túc các nội dung trong kế hoạch và bộ tiêu chí.

4. Tập thể lớp học

– Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn triển khai thực hiện xây dựng lớp học hạnh phúc theo yêu cầu của bộ tiêu chí.

– Nhà trường tổ chức lấy ý kiến học sinh trong lớp vào cuối năm học để có cơ sở đánh giá mức độ thực hiện.

            Trên đây là kế hoạch Triển khai thực hiện xây dựng Trường học hạnh phúc, kính đề nghị các bộ phận liên quan phối hợp thực hiện./.

Nơi nhận:
Ban giám hiệu (để biết);
Liên tịch (để thực hiện);
GV, NV (để thực hiện);
Cổng thông tin điện tử;
Lưu VT.
HIỆU TRƯỞNG
(Đã duyệt)


Lê Văn Hồng
P. HT CHUYÊN MÔN
(Đã ký)


Nguyễn Ngọc Phong Linh
Rate this post